Sau khi nộp hồ sơ, hoàn thành thủ tục nhập học vào trường sư phạm thì tôi bị ốm. Hơn hai tuần sau tôi mới đến được lớp học. Vào lớp tôi ngồi ở bàn cuối. Lớp khoảng hơn bốn mươi người, con trai chỉ hơn mười người, còn lại toàn là nữ. Ở trường sư phạm khoa nào nữ cũng nhiều hơn nam. Hôm đó là ngày cuối tuần, cuối buổi cô chủ nhiệm lên sinh hoạt lớp. Chủ yếu cô nhắc nhở việc thực hiện nội quy, xây dựng đội ngũ cán bộ lớp, rồi giao lưu làm quen với nhau, ai có năng khiếu hò hát, đọc thơ thì góp vui với lớp. Một số giọng ca khá hay nhưng tôi ấn tượng nhất cô bạn ngồi trước cách tôi ba bàn. Bạn giới thiệu tên là Thanh Huyền. Huyền có dáng mảnh mai, trắng trẻo, mái tóc đen dài óng ả rất dễ thương. Huyền cất lên giọng hát thật ngọt ngào, đằm thắm, cả lớp, đặc biệt là đám con trai như chết lặng.
Người đâu mà vừa xinh đẹp lại hát hay thế không biết. Thời học phổ thông tôi thuộc dạng ngoan hiền, chỉ cắm cúi học hành, chưa từng tơ tưởng, để ý tới bạn gái. Thế mà từ bữa sinh hoạt lớp ấy thì tôi ngơ ngẩn cả người, lúc nào cũng mơ màng nhớ tới Huyền. Tôi dám chắc rằng không phải mình tôi mà đám con trai trong lớp đứa nào cũng thế. Huyền có mặt ở đâu là mấy thằng ở đó, xoắn xuýt nịnh nọt, đưa đón. Nghĩ rằng mình có mơ cũng không với tới nên tôi tự biết thân biết phận, chỉ dám đứng xa ngắm trộm, rồi về tương tư lẩn thẩn. Bẵng đi hơn một học kì, bước sang học kì 2 thì thấy Huyền không đến lớp nữa. Đoán rằng Huyền bị ốm chắc nghỉ vài ngày, tôi luôn mong cầu cho Huyền khỏi bệnh, ngày nào đến lớp cũng ngó lên bàn trên ngóng chờ bóng Huyền. Rồi hơn một tuần trôi qua cũng không thấy Huyền đi học, tôi dò hỏi mấy đứa con gái, đứa nào cũng lắc đầu bảo không biết. Chiều đó viện cớ mượn cuốn sách bài tập, tôi ghé phòng thằng Thành lân la dò hỏi. Đám con trai đứa nào cũng thích Huyền, nhưng thằng Thành thì chết mê, chết mệt nhất, nó suốt ngày ve vãn, theo đuôi không biết mệt mỏi. Có lẽ nó sẽ biết rõ nhất. Vào phòng thấy nó ngồi thu lu trên ghế, phì phèo điếu thuốc. Nghe tôi hỏi nó chép miệng:
- Ốm cái gì, nó về quê rồi.
- Bỏ học luôn à, chắc không muốn học sư phạm nữa. Tôi nói.
- Không, về quê phá thai.
- Hả, cái gì ? Tôi há hốc mồm ra kinh ngạc, choáng váng.
- Huyền có bồ rồi à ? Mà là thằng nào ? Hay là anh Quang ?
Anh Quang khóa trên, cao ráo, đẹp trai, là cây văn nghệ của trường, tôi thấy anh hay đưa đón trò chuyện với Huyền nên đoán hai người chắc đã yêu nhau.
Thành vứt điếu thuốc cháy gần hết ra sân:
- Ông thầy Hoàng là tác giả của cái sản phẩm ấy chứ phải của thằng nào đâu.
Tôi như bị ù tai, hoa mắt, trời đất quay cuồng không tin nổi đó là sự thật.
- Này, mày có chắc chắn không đấy, hay chỉ là đồn nhảm thôi.
- Mày ngây ngô thật. Ông Hoàng nổi tiếng “sát gái” mà mày còn không biết à.
Thú thật từ khi vào trường tôi chỉ lo học, ít chơi bời giao du như tụi nó nên nhiều chuyện cũng mù tịt thật. Tôi thấy thầy Hoàng lên lớp cũng đạo mạo như bao người khác, không có gì đáng chú ý. Tôi chỉ nhớ đặc điểm là ông ngoài bốn mươi, dáng lòng khòng, hơi gù, nghiện thuốc lá nặng, hay cười cười khoe bộ răng hô vàng khè khói thuốc.
Trò chuyện với Thành một hồi, tôi về phòng trọ nằm vật ra giường. Anh Hải cùng phòng đi đá bóng về hỏi:
- Chưa cơm nước mà nằm đó à ?
- Đang chán anh ạ.
Anh Hải cười hô hố:
- Chắc tương tư cô nào chứ gì ?
- Đâu có anh. Tôi kể lại chuyện Thanh Huyền ở lớp tôi cho anh nghe.
Nghe chưa hết câu chuyện anh đã xua tay:
- Tưởng gì chứ chuyện thường tình mà, khoa này đã có câu “nhất Luận nhì Hoàng” nổi danh về khoản săn gái. Cứ khóa mới có em nào xinh đẹp là các lão nhắm săn bằng được. Dụ dỗ ngon ngọt, hứa hẹn, kèm theo hù dọa em nào không vâng lời thì chỉ có rớt môn của các lão. Cay cú cái gì, phải biết chấp nhận em ạ.
Từ bữa đó tôi lên lớp cứ thẫn thờ, chán nản chả thiết học. Không những vì thiếu vắng hình bóng cô bạn gái dễ thương ngày nào mà còn ngán ngẩm cái môi trường sư phạm mà có những người thầy như thế. Hỏi các anh chị khóa trước mới biết còn nhiều chuyện hay ho hơn thế nữa. Có bà vợ của một ông thầy còn lên tận lớp đánh ghen với nữ sinh. Đau xót thay, nạn nhân lại mang danh là cướp chồng của các bà ấy.
Rồi dần dà tôi cũng nguôi ngoai quên chuyện của Huyền, nghe nói Huyền về quê phá thai thì bị biến chứng phải ở nhà điều trị, phải bỏ hẳn học, sau này không còn ai nhắc tới.
Năm sau tôi chuyển phòng trọ vì ở đây nhiều phòng nên ồn ào khó học. Tôi chuyển tới dãy nhà trọ chỉ có bốn phòng, phòng tôi sát phòng anh Tú, học năm cuối. Anh Tú cao to, đẹp trai, đàn hát rất hay. Tôi hay sang phòng anh nhờ anh chỉ cho vài ngón đàn. Tôi với anh Tú trở thành thân thiết, đi đâu cũng có nhau, trò chuyện rất tâm đắc. Một buổi tôi đang ngồi tập đàn, anh Tú đi về mặt hầm hầm, ném tập giáo trình xuống bàn:
- Mẹ, còn gì là nhân cách nữa chứ.
- Chuyện gì mà nóng nảy vậy anh ?
- Con Ngân nhà tao kể mấy bữa nay lão Hoàng bắt chuyện, cứ rủ rê nó đi uống cafe. Lão đấy thì ai còn lạ gì.
Ngân là em ruột của anh Tú mới vào học năm nay, con bé rất xinh, có lần tôi đùa nhận làm em rể của anh Tú. Nhắc đến thầy Hoàng tôi lại nhớ đến chuyện của Huyền, tôi kể lại với anh Tú. Mắt anh đỏ ngầu:
- Em tao mà có chuyện gì thì tao không để yên.
Tôi biết anh hiền lành nhưng rất cục tính, đã nói là làm không nghĩ tới hậu quả. Tôi bảo anh việc chưa đến nỗi gì, anh em mình bảo Ngân cứ tránh xa là được. Chiều đó tôi với anh Tú đến phòng trọ của Ngân bàn bạc, cả phòng Ngân cũng đang lo lắng, vì đứa nào cũng biết ông ấy mà nhắm đến thì kể như số phận hẩm hiu rồi. Tôi bảo kiểu gì thì em cũng phải khóe léo từ chối ông ấy mời đi uống nước, trò chuyện, nếu có đi thì rủ thêm bạn cùng phòng, đừng mủi lòng nghe những lời đường mật, hứa hẹn. Mỗi người góp thêm một ý đối phó với chính người thầy đang dạy mình như đối phó với giặc.
Môt hôm, nhám nhem tối, Ngân tất tả đến phòng trọ anh Tú, bên này chúng tôi nghe tiếng anh Tú quát lên:
- Để tao đến làm cho ra nhẽ, cần thì bỏ học cũng được.
- Thôi anh, đừng làm to chuyện ra. Tiếng Ngân năn nỉ.
Tôi và mấy đứa cùng phòng chạy sang thấy Ngân đang kéo tay anh Tú vào phòng, anh Tú thì vùng vằng lao ra ngoài. Chúng tôi cùng lôi anh vào phòng hỏi chuyện. Ngân kể chiều nay tan học, thầy Hoàng gọi nó lại nói chuyện trên hành lang lầu ba. Thầy hỏi han đủ chuyện, lúc đó sân trường cũng vắng vẻ, thầy bảo xem chỉ tay xem đường công danh thế nào. Ngân chưa nói gì, thầy Hoàng đã chộp tay kéo sát vào người mình, khen đẹp, dễ thương, miệng tỉ tê, tay mơn trớn rất khó coi.
- Chuyện cũng chưa đến mức độ nghiêm trọng anh ạ. Tôi nói để hạ hỏa anh Tú.
- Nhưng mà ức lắm, phải giải quyết một lần cho lão chừa thói dê gái.
Chúng tôi phải khuyên nhủ, phân tích mãi cuối cùng anh mới xuôi. Về sau tôi tôi dặn Ngân có chuyện gì thì kể với tôi để tìm cách đối phó, đừng kể cho anh Tú nữa, anh ấy nóng tính, làm chuyện gì thì bị đuổi học chứ chẳng chơi. Sau này Ngân kể còn bị gạ gẫm nhiều lần nhưng nó đều kiên quyết từ chối. Cuối học kì Ngân gặp tôi ở hành lang:
- Em rớt môn Tin rồi anh ạ.
- Em cứ tự tin làm bài tốt, sợ gì ông ấy thù.
- Sáng nay thi rồi. Em đem đĩa lên nộp, ông ấy cầm đĩa của em giơ lên và nói nhỏ để mình em nghe thấy: đỗ hay rớt thì đều nằm trong đĩa này đấy, suy nghĩ cho kĩ đi. Rồi ông ấy cười khẩy và ném đĩa của em vào hộc bàn. Thế là biết rớt rồi còn gì nữa anh.
Cái chiêu tiểu nhân hèn hạ này nhưng rất hiệu quả, nạn nhân khó mà thắc mắc, kiện cáo được. Ngân có làm thật tốt, khi chấm ông ấy xóa dữ liệu, điểm không là đương nhiên. Ngân kể với tôi mà nó vẫn tươi cười, nó đã xác định rớt môn này từ lâu rồi, rớt để bảo vệ phẩm hạnh của mình nên không đáng buồn. Đến năm ba Ngân mới trả nợ xong môn này, lúc đó nó thi lại với khóa sau, thầy khác chấm nên qua được.
Giờ đây chúng tôi đều trở thành giáo viên, mỗi lần gặp nhau nhắc chuyện cũ, anh Tú lại nói:
- Nhờ các chú can anh chứ không lúc đó anh đôi co với ông thầy Hoàng thì không biết có còn được làm thầy giáo như ngày nay không. Anh thở dài. Mình nghèo nên phải nhịn nhục, bị đuổi học bố mẹ buồn chứ nhà mà khá anh không để ông ấy yên đâu.
Thế nhưng đến giờ tôi lại nghĩ, nếu cứ để anh Tú làm to chuyện lên thì có lại hay. Nhiều nữ sinh không còn bị gạ gẫm nữa. Để đến giờ này đứng trên bục giảng, dạy dỗ các em học sinh, họ không còn phải dằn lòng nén chặt một quá khứ nhơ nhớp, nhân phẩm bị xúc phạm, thân thể trong sạch bị giày vò bởi chính những người mà mình gọi bằng thầy.
* Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét