Nếu tôi làm như vậy, liệu có ai có đủ chứng cứ để phạt tiền tôi không?
Mới đây, dư luận xôn xao về nhiều quy định nghe có vẻ rất lạ của các cơ quan chức năng. Chẳng hạn như việc cộng điểm thi đại học cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hay quy chế phạt tiền với những người trong gia đình có hành động lăng mạ, chì chiết, xúc phạm nhân phẩm của người khác. Theo đó, Bộ Công an đề xuất, người đuổi vợ ra khỏi nhà vào ban đêm hay lúc trời mưa gió sẽ bị phạt từ 500.000 đến một triệu đồng; nếu thường xuyên lăng mạ, chì chiết mức tiền tăng thêm 500.000 đồng.
Ngoài ra, chuyện vợ kiểm soát túi tiền của chồng cũng sẽ bị phạt tiền tầm 1 triệu đồng. Nhiều người tỏ ra tán đồng với ý kiến này, đa số là những người lo sợ vì thường xuyên chịu sự kiểm soát, chì chiết, thậm chí là xúc phạm lăng mạ của chồng, của vợ… Tuy nhiên, đại đa số lại cho rằng, quy định này hoàn toàn không thiết thực, rất thiếu khả thi.
Thứ nhất, về việc phạt tiền của các cơ quan chức năng, đây sẽ là một việc hoàn toàn khó khăn. Chuyện vợ chồng đánh đập nhau, nếu là chuyện lớn, ai ai cũng sẽ biết, thậm chí có những người vợ kiện cáo cả chồng mình vì tội vũ phu. Và tất nhiên, nếu chiếu theo quy định này, người vợ sẽ được bồi thường còn anh chồng chí ít là bị phạt tiền, không cũng bị phạt án vì đã đánh đập, bạo hành vợ mình. Nhưng đó là với một số trường hợp có bằng chứng rõ ràng, công khai. Còn một số trường hợp, người vợ, người chồng đóng cửa ‘đánh nhau’, ai sẽ là người làm chứng, ai sẽ là người biết được chuyện này, thậm chí có nghe thấy tiếng người vợ hay người chồng la hét nhưng không tận mắt chứng kiến, rồi họ lại chối bay chối biến, thì đúng là, chẳng có cơ sở nào để kết tội người chồng, người vợ ấy.
Đó là chưa nói tới chuyện, nếu thường xuyên lăng mạ, chì chiết mức tiền tăng thêm 500.000 đồng. Cánh đàn ông là những người hay bị vu cho tội chửi vợ. Bởi đàn bà mấy khi chửi đổng, chỉ có đàn ông là hay bạo lực, hay chì chiết vợ con mà thôi. Tất nhiên, với luật này, đàn bà là phe thắng thế. Nhưng cánh đàn ông cũng không vừa, họ cho rằng, quy định này thật sự không thực thi và có lẽ nếu đó là luật thật sự thì họ cũng sẽ có cách để ‘lách luật’. Chẳng hạn, anh Tuấn, một thành viên trên một diễn đàn cho rằng: “Nếu tôi ghé vào tai vợ mà chửi, mà chì chiết, thậm chí lăng mạ nhưng lại lăng mạ một cách bí mật, thì ai biết tôi đã làm chuyện đó? Vợ tôi có tố tôi nhưng không có bằng chứng thì các cơ quan sẽ làm được gì? Liệu họ có cơ sở nào để phạt tiền tôi không?”.
Chị Nguyenthanhlan… @ thì lại bức xúc khi nói về quy định phạt tiền với người vợ quản lý tài chính của chồng. Thật ra, đây cũng là bức xúc của rất nhiều chị em. Chị cho rằng, việc quản lý tiền của chồng có nhiều lý do, xưa nay người ta vẫn làm thế vì không phải người đàn ông nào cũng biết giữ tiền. Đa số đàn ông chỉ biết tiêu tiền, còn đàn bà mới là người vun vén cho hạnh phúc gia đình. Nếu như không có bàn tay của phụ nữ, chắc chắn gia đình sẽ không hạnh phúc. Chuyện ăn ở, chuyện sinh hoạt, chuyện chi tiêu học hành cho con cái là một tay người phụ nữ lo hết. Nếu giả sử một người chồng cờ bạc, rượu chè, suốt ngày phá phách tiền nong trong khi người vợ thu nhập thì ít, dùng tiền của mình chi tiêu thì không đủ. Và tất nhiên, người vợ bất đắc dĩ phải giữ tiền của chồng để đảm bảo chi tiêu, quản thúc chồng trong chuyện ăn nhậu, say sưa lại không được tác dụng gì. Nếu như thế tức là chiếu theo ‘luật’ này thì người vợ cũng bị phạt. Vây liệu có công bằng hay không?
Trong một vài hoàn cảnh, con người ta phải làm điều này, điều kia mà không hề muốn làm. (ảnh minh họa) |
Thật ra, quy định thì chỉ là quy định nhưng không thể nào tuyệt đối được. Trong một vài hoàn cảnh, con người ta phải làm điều này, điều kia mà không hề muốn làm. Họ cũng không muốn đánh chửi nhau, cãi nhau, chì chiết nhau và chắc gì người bị chì chiết đã đúng. Hoặc họ cũng không muốn phải quản lý cuộc sống riêng của nhau nhưng không quản không xong.
Vậy đó, thực ra, những quy định như thế này lúc nào cũng có hai mặt của nó. Người lợi thì nghĩ tốt, còn người hại thì nghĩ chửi vợ không hay. Nhưng đúng là đã không thực thi và thấy khó có thể khiến người ta đồng tình, ủng hộ. Vì vậy, có thể đó chỉ là một phương án để ‘cảnh tỉnh’, để con người ta thấy rằng những chuyện được đề nghị phạt tiền thật ra đã sắp trở thành ‘vấn nạn’, thành nỗi nhức nhối và cần mỗi chúng ta có ý thức hơn với cuộc sống của mình, với người thân yêu của mình và cần sống có trách nhiệm với bản thân hơn mà thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét