“Ngôi sao võ thuật họ Lý đột ngột ra đi”, một ngày tháng 7 cách đây gần nửa thế kỷ, các báo Hồng Kông chạy dòng tít lớn trên trang nhất.
Đến ngày nay, báo giới cũng như giới võ thuật tốn không ít giấy mực nhằm làm sáng tỏ cái chết bí ẩn này.
Theo các tài liệu pháp y chính thức và lời kể của người thân, Lý Tiểu Long đột ngột qua đời khi 32 tuổi, vào ngày 20/7/1973.
Đám tang Lý Tiểu Long tại Mỹ – Ảnh tư liệu
Hàng trăm lượt sách báo ra đời để tìm hiểu nguyên nhân sự ra đi đột ngột của anh. Có thể kể đến những nguyên nhân lớn sau:
Chết vì “thượng mã phong”
Theo lời khai ghi lại của cảnh sát Hồng Kông, Lý tới nhà diễn viên Đinh Phối bàn về vai diễn của cô trong phim “Trò chơi tử thần”.
Lý nói rằng anh cảm thấy bị đau đầu, hỏi mượn tạm thuốc giảm đau có chứa Aspirin của Đinh Phối, sau đó anh nằm lại trên giường của cô chờ đến bữa tối, rồi chìm vào hôn mê.
Bạn bè và người thân khiêng linh cữu Lý Tiểu Long tại Hong Kong – Ảnh tư liệu
Bác sỹ riêng của Đinh Phối khai rằng, ông ta cố giúp Lý Tiểu Long hồi tỉnh và sau đó đưa anh đến bệnh viện.
Nhưng Lý Tiểu Long đã không thể tỉnh lại và anh đã vĩnh viễn ra đi. Bác sĩ đã rất ngạc nhiên khi biết anh bị hôn mê lâu như vậy nhưng Đinh Phối không gọi ông tới sớm hơn.
Vài năm trước đó, Đinh Phối cùng Lý từng bị đồn đoán có dan díu với nhau. Nhiều người tin rằng, Lý từ trần vì sự “đòi hỏi” quá độ của cô bồ xinh đẹp, cùng với đó là dùng thuốc kích thích quá liều.
Lý Tiểu Long và Betty Đinh Phối – người bị cho là gây nên cái chết của huyền thoại võ thuật
Số đông khác cho rằng, giới võ sư Hồng Kông – vốn xưa nay không ưa Lý cướp bát cơm và hay chê bai họ nên ép buộc Đinh Phối dùng xảo thuật điểm huyệt khi cùng Lý mây mưa để khiến kinh mạch của Lý chạy ngược, chết trên giường ngủ.
Nora Miao, nữ diễn viên đóng cặp ăn ý nhất của Lý Tiểu Long
Đinh Phối một mực phủ nhận cho dù khi đến đám tang Lý, cô bị hàng ngàn người la ó, chửi rủa. Nhà của cô cũng trở thành nơi hứng cà chua, trứng thối hằng ngày.
Cuối cùng, Đinh Phối đi tu và sang Mỹ sinh sống. Cuối đời, cô thừa nhận có quan hệ yêu đương với Lý, nhưng: “Tôi không hại chết Lý Tiểu Long”.
Bị cao thủ điểm huyệt
Sinh thời, có lần Lý từng nói với báo giới: “Tôi ngày càng không tin vào những khuôn mẫu cổ điển. Ý tôi là người ta chỉ biết cắm đầu học thuộc những bài quyền mà quên đi cách tự cảm nhận và thể hiện chính mình”.
Phát ngôn này khiến không ít võ sư Hồng Kông và Đại lục tức giận, bởi anh chê trách chính cách dạy truyền thống của họ.
20 võ sư cao cấp được thuê để tấn công Lý khi anh đến nhà Đinh Phối. Trong nhóm có cao thủ điểm huyệt, người này đã khiến anh tử vong sau đó ít giờ khi kinh mạch trong não bộ bị điểm trúng.
Cảnh sát Hồng Kông và pháp y Mỹ không thừa nhận nguyên nhân này, nhưng khá đông võ sư tin điều đó.
Một số võ sư sau này còn viết sách, kể rằng ngày ở Hồng Kông, Lý từng giao đấu với một cao thủ Thiếu Lâm Nam quyền, người này đã điểm huyệt Lý bằng tuyệt kỹ: Tý Ngọ Lưu Trú.
Tuyệt kỹ bí truyền này khiến người bị điểm huyệt chết sau đó vài năm hoặc vài tháng. Người đó chỉ có thể sống được nếu chính người điểm huyệt giải huyệt cho.
Một lý do khiến thuyết này được nhiều người tin nhất là sự kiện Lý bị hôn mê đột ngột khi đóng phim “Long tranh hổ đấu”.
Người ta tìm thấy anh gục ngã trong nhà tắm và nửa tiếng sau mới tỉnh. Lý không thể nhớ được tại sao mình ngã, nhưng anh một mực cho rằng sức khỏe của mình cực tốt, không thể hôn mê. Một năm sau, anh qua đời cũng trong trạng thái hôn mê.
Luyện công quá độ
Năm 2000, giới võ thuật được phen xôn xao khi cuốn sách phân tích nguyên nhân chết của Lý được bán tại Hồng Kông.
Người viết sách này tự xưng là võ sư họ Lưu ở Phật Sơn – quê hương Hoàng Phi Hồng. Lưu nói, có hai điều khiến Lý đột tử: chế độ ăn và quá ham vượt lên đỉnh cao võ học bằng cách luyện tập khắc khổ.
Có người nói rằng Lý đột tử do luyện công quá độ
Rất nhiều người đều biết Lý hay dùng chuối và nước thịt bò ép sau mỗi lần luyện công. Hai thứ thực phẩm giàu vitamin và protein này cũng được nhiều môn sinh Triệt Quyền Đạo dùng, nhưng chưa ai vì nó mà tử vong hay có biến chứng.
Nhưng theo Lưu, sau khi luyện tập nặng, Lý dùng lượng lớn chuối và thịt bò, khiến cơ thể hấp thu trong trạng thái cưỡng bức, lâu dần sinh phản ứng xung huyết ở não bộ và tim.
Lý do tiếp, Lưu nói Lý Tiểu Long bản tính hiếu thắng nên bất chấp tất cả để luyện công, đốt cháy nhiều giai đoạn để nhanh chóng có được tốc độ, công lực trong mỗi cú ra đòn.
Rất nhiều tài liệu và nhiều võ sư danh tiếng, trong đó có Ed Parker – cha đẻ của Karate Mỹ làm chứng việc Lý từng đá một người mặc đủ giáp luyện tập (tổng trọng lượng gần 110kg) văng đi 20m.
“Hãy hình dung cơ thể anh ta như một hòm sắt bên trong đựng cốc thủy tinh. Vẻ ngoài cứng rắn, nhưng bên trong chịu va đập nhiều nên vỡ vụn hết”, Lưu nói.
Bí ẩn không lời giải
Nhưng không ai giải thích được, trong dạ dày của Lý sau khi chết có chứa một nhúm lá cần sa. Theo vợ anh, đó là thứ thi thoảng Lý hay ăn để giữ cơ thể tỉnh táo và bớt những cơn đau đầu bất chợt.
Xét nghiệm máu cho thấy Lý không bị nghiện ma túy, nhưng liệu có phải lá cần sa và thuốc Aspirin kết hợp khiến cơ thể anh sốc phản vệ dẫn đến hôn mê, phù não và qua đời?
Dù cho đội pháp y đặc biệt của Hồng Kông, Mỹ, Australia nói Lý chết vì mẫn cảm với Aspirin, nhưng gần như không ai tin điều này.
Phim cuối cùng của Lý là Trò chơi tử thần – Game of death.
Một điều lạ nữa, khi quan tài Lý Tiểu Long chuyển từ Hồng Kông đến Mỹ, người ta phát hiện có 9 vết xước bí ẩn trên nắp quan tài.
Trước đó, quan tài hoàn toàn lành lặn lúc ở Hồng Kông, và đội vệ sỹ được thuê bảo vệ cũng nói khi trên máy bay không có sự cố nào.
Chưa ai đưa ra được kết luận được cho là chính xác về cái chết của huyền thoại võ thuật. Thậm chí người ta còn cho rằng, có một lời nguyền nhắm vào họ Lý khi con trai anh cũng chết đột ngột như cha.
Lý Quốc Hào trong lúc diễn một bộ phim tâm lý có cảnh quay bắn súng, một viên đạn trong khẩu 44 đã trúng vào người anh (đáng lẽ ra khẩu súng này không có đạn) và khiến anh qua đời vào năm 1993, khi anh được 30 tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét