Nếu điều tồi tệ đó đã xảy ra một lần thì gần như chắc chắn nó sẽ xảy ra lần nữa và những lần sau đó sẽ còn tệ hơn lần trước.
LTS: Việc xô xát giữa Andrea và Yanbi đã và đang gây xôn xao trong cộng đồng giới trẻ trong hai ngày qua. Dù cặp đôi đã làm lành với nhau nhưng những tranh cãi xung quanh việc xúc phạm bạn gái giữa chốn đông người hay bạo lực trong tình yêu vẫn chưa ngã ngũ.
Từng theo học ngành Tâm lý tại Mỹ, Trần Hùng John – chàng trai người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với câu nói được đưa vào đề thi đại học năm nay đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề nói trên, dưới góc nhìn tâm lý học.
Mời các bạn cùng theo dõi:
Tôi có theo dõi sự việc giữa Andrea và Yanbi, quả thực không thể không quan tâm khi báo chí đưa tin rầm rộ và hai người là cặp đôi khá nổi tiếng trong cộng đồng giới trẻ Việt. Là một người đàn ông, tôi cảm thấy xấu hổ khi đọc những thông tin này. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc một chàng trai có hành động thô bạo với một cô gái là không thể chấp nhận được, hơn nữa lại là người mà anh ta yêu thương.
Vì tôi không biết rõ Yanbi, tôi cũng không chắc cái gì đã điều khiển anh ấy: sự ghen tuông, sự không chung thủy, cơn nóng giận vượt kiểm soát, bi kịch tuổi thơ... Nhưng qua những gì tôi được học về Tâm lý và cũng từ chính những trải nghiệm của bản thân, tôi muốn bàn rõ hơn một chút về “bạo lực tình yêu, bạo lực gia đình”, mượn trường hợp của Yanbi và Andrea làm ví dụ.
Bạo lực được định nghĩa là khi một người có hành vi kiểm soát hoặc chi phối thô bạo với người còn lại trong một mối quan hệ. Bạo lực có thể diễn ra dưới nhiều dạng: thế chất, tình dục, tình cảm hoặc tâm lý. Đối với kẻ bạo hành, họ có nhu cầu thường xuyên về quyền lực và quyền kiểm soát, để bù đắp cho cảm giác bất an của họ. Một kẻ bạo hành thường không chỉ dùng vũ lực một lần duy nhất, kể cả khi họ giàu có và nổi tiếng.
Những người bạo hành có rất nhiều tính cách giống nhau: kiểm soát (họ muốn quyết định mọi việc), ghen tuông (họ sẽ gọi điện và nhắn tin cho nạn nhân thường xuyên để hỏi họ đang ở đâu), khôn khéo (họ có thể rất nhẹ nhàng và hối lỗi một phút trước nhưng lại bạo lực ngay sau đó). Họ cho rằng việc làm bạo hành của họ là có lý và tin rằng đàn ông đương nhiên có quyền hành trong mọi mặt của một mối quan hệ.
Nếu bạn là nạn nhân của sự bạo hành trong một mối quan hệ, dù là về thể chất hay tinh thần, bạn cần phải thoát khỏi nó ngay lập tức. Càng ở lâu, về mặt tâm lý sẽ càng thấy khó thoát khỏi. Nếu điều tồi tệ đã xảy ra một lần thì gần như chắc chắn nó sẽ xảy ra lần nữa và những lần sau đó sẽ còn tệ hơn lần trước.
Nhưng những nạn nhân lại thường bào chữa, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam vốn nổi tiếng về sự chung thủy. “Anh ấy hơi say, anh ấy không muốn như vậy. Là do tôi đã làm anh ấy bực, anh ấy vẫn yêu tôi lắm”… có rất nhiều lý do bào chữa mà các nạn nhân thường dùng. Họ tự trách mình hoặc cố gắng bào chữa cho sự bạo hành họ phải chịu đựng, họ tin rằng người kia sẽ thay đổi, sự gắn bó với kẻ bạo hành, cảm giác bất an khi trở thành độc thân, thiếu sự ủng hộ và giúp đỡ từ gia đình và bạn bè...
Theo Hùng John, khi bị bạo lực, tốt nhất là thoát khỏi nó (Ảnh: VietNamNet)
Mặt khác, không phải kẻ bạo hành không có tình yêu với nạn nhân. Thực tế là trong rất nhiều trường hợp, kẻ ngược đãi vì quá yêu và không biết cách nào khác để thể hiện tình yêu cực đoan đó. Mục đích của việc bạo hành là để duy trì và tăng thêm quyền kiểm soát đối với nạn nhân. Ngoài bạo lực thể xác, kẻ bạo hành còn có thể sử dụng nỗi sợ hãi, cảm giác tội lỗi, sự xấu hổ và những lời hăm dọa – những biện pháp tâm lý mạnh, để ngăn không cho nạn nhân từ bỏ mối quan hệ giữa hai người.
Tôi không biết chi tiết về mối quan hệ của Yanbi và Andrea nhưng nếu sự bạo hành đã diễn ra từ trước, tôi có thể đoán chắc rằng cô ấy rồi sẽ tha thứ và quay lại với anh ta, giống như trường hợp của nhiều nạn nhân khác, như ca sĩ người Mỹ Rihanna. Và sự thật đúng là như vậy.
Nếu bạn là nạn nhân của bất cứ hình thức ngược đãi nào thì hãy nói chuyện với gia đình và những người yêu thương bạn, họ sẽ giúp bạn có đủ dũng cảm để bước đi. Dưới đây là 7 lời khuyên giúp bạn thoát khỏi bạo hành:
1. Nhận ra rằng mối quan hệ này đang có sự ngược đãi: Bạn không thể trốn tránh và tìm cách bào chữa cho điều này, hãy chấp nhận sự thực là mối quan hệ đang xấu dần đi và bạn cần phải rời bỏ nó.
2. Nhớ rằng bạo hành có rất nhiều loại. Trong đó bạo hành về tâm lý và tình cảm thường có tác hại hơn bạo hành về thể xác.
3. Việc bạo hành xảy ra không phải lỗi hoàn toàn do bạn. Mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm với việc làm của họ.
4. Chấp nhận thực tế kẻ bạo hành thì sẽ gần như không thể thay đổi.
5. Nói chuyện với một ai đó bạn tin tưởng về sự ngược đãi mà bạn đang phải chịu.
6. Hãy ở quanh những người mà bạn tin tưởng và yêu quý, vì họ sẽ ngăn bạn khi bạn có ý định tha thứ và quay trở lại với kẻ bạo hành hoặc điều dại dột nào khác.
7. Một khi đã ra đi, đừng quay trở lại. Kẻ bạo hành rất khôn khéo và có thể tỏ ra hối lỗi hoặc sẵn sàng thay đổi, nhưng đừng tin hy vọng viển vông.
Tình yêu là mối quan hệ cân bằng đẹp đẽ cần được chia sẻ bởi cả hai người. Bạn không nên cảm thấy sợ hãi người mà bạn yêu. Bạn xứng đáng có được tình yêu và hạnh phúc đích thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét